Thư viện Video
This div will be replaced by the JW Player.

Chuyên đề Mầm non: Hoạt động lấy trẻ làm trung tâm
Hoạt động vui chơi là một trong những hoạt động mang màu sắc đặc trưng của trẻ mầm non đặc biệt trẻ mẫu giáo. Trò chơi học tập là trò chơi có vai trò to lớn trong việc phát triển trí tuệ cho trẻ mầm non, để tổ chức chơi cho trẻ có hiệu quả thì đòi hỏi giáo viên mầm non cần thực hiện tốt công tác thiết kế môi trường chơi cho trẻ, đặc biệt là môi trường chơi trong góc học tập

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ ở trường mầm non. Trẻ “chơi mà học, học bằng chơi”. Để tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả cao, cần chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động chơi cho trẻ, đặc biệt chú ý đến trang thiết bị đồ dùng đồ chơi. Để tổ chức cho trẻ chơi có hiệu quả thì đòi hỏi nhà trường, giáo viên mầm non cần thực hiện tốt công tác thiết kế môi trường giáo dục cho trẻ chơi vì môi trường giáo dục trong trường mầm non là những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; môi trường tốt sẽ  tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm và sáng tạo qua đó kiến thức, kĩ năng của trẻ được hình thành, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mĩ và tình cảm xã hội. Môi trường phải đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho trẻ vừa có tác dụng giáo dục, có tính thẩm mỹ và phải được xây dựng trong suốt quá trình thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ chơi vì môi trường giáo dục đa dạng, phong phú sẽ kích thích tính tích cực chủ động của trẻ từ việc tự lựa chọn góc chơi, đồ chơi đến việc tự quyết định và tìm cách giải quyết nhiệm vụ. Trẻ sẽ dần biết tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và biết đánh giá những thành công hay thất bại trong quá trình chơi, trẻ sẽ dần rút ra những bài học cho bản thân mình.

 Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường giáo dục đối với sự phát triển nhân cách của trẻ và sự phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong những năm học qua dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Long An, Phòng GD&ĐT Cần Giuộc cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng và khai thác, sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục nhằm thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nhằm giúp trẻ tích cực hoạt động nhằm tạo cơ hội cho trẻ tìm tòi, khám phá, phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, trẻ được tự lựa chọn hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm một cách tích cực, qua đó kiến thức và kỹ năng ở trẻ dần được hình thành. 



Một góc chợ quê của trường MG Long Thượng-Cần Giuộc
 Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là việc các nhà giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách thụ động mà các nhà giáo phải tạo ra nhiều đồ dùng đồ chơi hấp dẫn để giúp trẻ tích cực hoạt động. Trên nguyên ắc ấy phòng GD&ĐT cũng đã phát động hội thi làm đồ dùng đồ chơi để các giáo viên có nhiều sáng tạo trong việc thiết kế đồ dùng đồ chơi phù hợp với chủ đề, phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhằm phát triển trí tưởng tượng cho trẻ, giúp trẻ ham thích học tập, hoạt động tích cực với những phương tiện trực quan, gần gủi.

Khai mạc Hội thi Đồ dùng đồ chơi sáng tạo cấp GDMN
 Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả nhất là các nhà giáo dục tạo ra được môi trường cho trẻ hoạt động, tạo các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. 
      Khi xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ trường mầm non cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
       1. Thiết kế môi trường giáo dục phải hướng vào việc phát triển toàn diện của trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mầm non và mục tiêu cuối độ tuổi, đồng thời phù hợp với mục đích tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn tạo cho trẻ cảm giác được yêu thương, tôn trọng và đáp ứng các nhu cầu chính đáng.
      2. Bố trí, sắp xếp các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp với chủ đề, thuận tiện cho việc sử dụng của giáo viên và trẻ. Quy hoạch không gian hiện có của nhà trường để phân bố diện tích cho các hoạt động phù hợp với độ tuổi, sở thích, khả năng... của trẻ và phù hợp hoạt động chung của lớp, hoạt động nhóm hoặc cá nhân.
     3. Thực hiện mua sắm bổ sung đảm bảo đủ và đa dạng các loại vật liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề; thể hiện được rõ nét văn hóa các dân tộc để tạo cơ hội tham gia, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học của trẻ vào việc xây dựng môi trường và kích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ.
     4. Luôn tạo cơ hội và mở rộng quan hệ giao tiếp xã hội giữa trẻ với nhiều người giúp trẻ tự tin, tích cực, hứng thú với các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện; sưu tầm và sáng tạo thêm trò chơi bằng cách thường xuyên thay đổi cách chơi, luật chơi để khích lệ trẻ tham gia, chủ động chơi- tập - thử nghiệm với các loại thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; khuyến khích trẻ tự tạo ra đồ chơi, trò chơi theo ý tưởng riêng của mình; tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động chơi tự do, hội thi, lễ hội... để trẻ được trải nghiệm và “tập làm”.
      5. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh và cộng đồng về ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non; tạo nhiều cơ hội cho gia đình và cộng đồng được tham gia vào các hoạt động của nhà trường; xây dựng mối quan hệ tích cực đối với gia đình trẻ, phối hợp chặt chẽ với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tôn trọng sự khác biệt và nhu cầu của mỗi gia đình để có những phối hợp với từng gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm thu hút các bậc cha mẹ và cộng đồng tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non.
       Môi trường giáo dục trong trường mầm non gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài lớp học. Cả hai môi trường này đều rất quan trọng đến việc dạy và học của cô và trẻ. Trẻ em sẽ tham gia vào các hoạt động và các loại trò chơi khác nhau tùy thuộc vào môi trường mà trẻ đang ở đó. Vì vậy trẻ cần có cơ hội để chơi và học ở môi trường bên trong và môi trường bên ngoài lớp học.

Môi trường trong lớp học
      Trong lớp học không thể thiếu những góc chơi của trẻ, do đó để lớp học thêm lôi cuốn trẻ các cô giáo đã tạo nên một môi trường trong lớp học với những màu sắc sinh động và ngộ nghĩnh. Môi trường có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ;

Nguyên vật liệu đa dạng, kích thích sự sáng tạo của trẻ- MN Thị Trấn

Trẻ được vui chơi để trải nghiệm- MG Long Thượng

 
Môi trường bên ngoài lớp học
Môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ. Xây dựng môi trường ngoài lớp học phù hợp, an toàn, sạch đẹp, hấp dẫn sẽ tạo cơ hội cho trẻ hoạt động, đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ.

Thiết kế giàn dây leo trường MG Đông Thạnh-Cần Giuộc

Bé được vận động với thiết kế hình vẽ trên sân
 
Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo.
     Để tạo môi trường lớp học phong phú, Phòng GD&ĐT cũng đã đầu tư nghiên cứu, cử giáo viên đi thăm quan, học tập tại trường mầm non trọng điểm của Tỉnh Long An. Sau khi tham quan, trường đã định hướng và hướng dẫn giáo viên lựa chọn các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và lớp học để áp dụng. Về phí huyện đã phát động phong trào thi đua thiết kế và xây dựng môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm, được 100 % các trường trong huyện đăng ký và tham gia dự thi. Các trường đã huy động phụ huynh ủng hộ các nguyên học liệu đã qua sử dụng để xây dựng môi trường bên trong và ngoài lớp học một cách phong phú và thân thiện với trẻ nhằm giúp trẻ chủ động tích cực vui chơi, tìm tòi khám phá, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo.
 
 
 
 
  Khu vận động tại trường MG Long Thượng - Cần Giuộc   

Hình vẽ trên sân giúp trẻ có điều kiện hoạt động mọi lúc mọi nơi – trường MG Đông Thạnh


Cháu tích cực tham gia hoạt động - Hội giảng tại trường MG Long Thượng
 
     Khi đánh giá trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảo: hứng thú, nhu cầu, kỹ năng, thế mạnh của mỗi trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng. Mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất để thành công.
     Sau thời gian thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”Huyện đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi: Các góc hoạt động trong lớp và ngoài trời rất phong phú; trẻ sử dụng học liệu theo nhiều cách khác nhau và sáng tạo; trẻ có cơ hội lựa chọn học liệu và hoạt động để trẻ có thể chủ động vui chơi, tìm tòi khám phá, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, hợp tác với bạn bè, trò chuyện và chia sẻ ý kiến; Trẻ được thể hiện ý tưởng mà không bị gò bó, Trẻ được chơi mà học, học bằng chơi một cách hiệu quả.

Hoạt động chơi trong lớp – MG Trường Bình
Trẻ tự tin giới thiệu sản phẩm của mình trong Hoạt động chơi- MG Long Thượng
Trẻ tham gia đá bóng trên sân bóng đá mini- MG Đông Thạnh
Khu vận động cho trẻ- Trường MG Long Hậu
     
Bé vận động- MG Long An
     
Ảnh vườn rau cho trẻ thực hành, trải nghiệm- MG Đông Thạnh
       
Tạo môi trường để bé được trải nghiệm qua chuyện kể- MG Đông Thạnh
 

Mầm non là môi trường giáo dục đầu tiên mà hình thành nhân cách các con ngay từ khi còn nhỏ, trẻ độ tuổi mầm non "Học bằng chơi, chơi mà học”Để trẻ tiếp thu một cách tốt nhất thì việc sáng tạo những đồ dùng đồ chơi mới lạ, hấp dẫn và việc xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1./.


Tác giả: Uyên Phương