I. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, xuất hiện trên 100 nước với 50-100 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.
II. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), nó có thể đưa virus gây bệnh vào máu của người bệnh bằng cách đốt (chích)..
Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và truyền bệnh. Virus Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi Aedes khoảng 8-11 ngày. Sau đó, nếu bạn bị muỗi Aedes chích thì virus sẽ được lây truyền.
III. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Tùy theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết cụ thể như sau:
1. Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ
Cấp độ sốt xuất huyết nhẹ thường xuất hiện ở người có lần đầu tiên mắc bệnh vì chưa có miễn dịch với virus Dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:
-
Sốt cao, lên đến 40,5 độ C;
-
Đau đầu nghiêm trọng;
-
Đau phía sau mắt;
-
Đau khớp và cơ;
-
Buồn nôn và ói mửa;
-
Phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
2. Biểu hiện sốt xuất huyết nặng
Ở mức độ này, các dấu hiệu sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.
3. Hội chứng sốc sốt xuất huyết
Sốc sốt xuất huyết Dengue là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Thể bệnh này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi trẻ em và người lớn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2-5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
“Những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh Covid-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.
IV. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Ngăn ngừa muỗi đốt
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể.
Biện pháp phòng và diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi:
-
Thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
-
Che đậy lu nước, xô nước,…
-
Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
-
Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
-
Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
-
Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
-
Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.
Thay đổi thói quen sinh hoạt:
-
Ngủ màn kể cả ban ngày.
-
Mặc quần áo dài tay, dài chân và nhạt màu khi ra ngoài.
-
Thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
-
Mùa mưa, nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, đặc biệt không đến những nơi um tùm, ẩm thấp, nhiều cây cối,…
-
Ba mẹ khi cho bé ra ngoài vui chơi cần theo dõi, giám sát bé thường xuyên, không để bị muỗi đốt.
-
Đóng kín các cửa trong nhà.
-
Người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn thường xuyên để phòng tránh muỗi đốt và lây truyền cho những thành viên khác trong nhà.
Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, tổn hao đáng kể chi phí y tế, thậm chí cướp đi tính mạng người bệnh. Mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.